Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản

23/01/2019                                 491
Ngày 21/9/1973 Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước.

Trong suốt mấy chục năm qua Nhật Bản luôn sát cánh, tích cực hỗ trợ sự nghiệp đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Lãnh đạo Nhật Bản nhiều lần khẳng định một nước Việt Nam phát triển và ổn định, có vai trò và vị thế lớn hơn trong khu vực là phù hợp với lợi ích của Nhật Bản.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011).

Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam (cả về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân), đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Từ năm 1992 đến hết tài khóa 2012 (31/3/2013), Nhật Bản đã cam kết khoảng 2.118 tỷ Yên (khoảng 24 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay) vốn vay ODA cho Việt Nam. Nhật Bản đã cam kết 1,55 tỷ USD ODA cho Việt Nam trong tài khóa 2013.

Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 12/2004), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) (tháng 10/2009) tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Hiện tại, Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ ta phát triển công nghiệp trong khuôn khổ Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng Ban (được thành lập ngày 13/8/2012).

Hai bên đã phối hợp tốt để giải quyết một số sự cố trong hợp tác kinh tế như vụ PMU 18 (2006); vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (2007); vụ công ty PCI Nhật Bản hối lộ (2008).

Nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước, hai bên đã ký Công hàm trao đổi và Hiệp định vay cho 05 dự án ODA thuộc đợt 2 tài khóa 2013 trị giá 120 tỷ yên ưu đãi. Như vậy, trong tài khóa 2013, Nhật Bản đã cam kết 2,1 tỷ USD ODA vốn vay cho Việt Nam cho 10 chương trình/dự án.

Kể từ khi Hiệp định giữa Chính phủ hai nước Việt Nam-Nhật Bản về khoa học và công nghệ được ký năm 2006 đến nay, Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về hợp tác khoa học và công nghệ đã tổ chức họp 3 lần. Số lượng các nhà khoa học Việt Nam sang Nhật Bản và các nhà khoa học Nhật Bản sang Việt Nam tiến hành các hoạt động nghiên cứu chung ngày càng tăng. Hiện tại, Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ ta phát triển điện hạt nhân và an toàn bức xạ và hạt nhân; khai thác và chế biến đất hiếm; hợp tác về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ.

Hai bên đang triển khai một số dự án quan trọng trong lĩnh vực này dưới hình thức Nhật Bản hỗ trợ vốn vay ODA cho Việt Nam: Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử khoảng 35.000 tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện có khoảng 18.000 lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Trong những năm gần đây, số lượng lao động, thực tập sinh liên tục tăng (năm 2009: 5.500 người, năm 2010: 5.000 người, năm 2011: 7.000 người, 2012: 8.500 người). Hiện ta đang đề nghị Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh trong lĩnh vực nông-ngư nghiệp, chế biến nông-hải sản với số lượng nhiều trong thời gian tới.

Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam (trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế song phương EPA tháng 10/2011). Ta là nước Đông Nam Á thứ ba sau Philippines và Indonesia phía Nhật Bản nhận điều dưỡng viên, hộ lý. Hiện khóa học đào tạo 12 tháng tại Việt Nam trước khi sang Nhật đối với ứng viên tài khóa 2012 đã khai giảng tháng 12/2012 (150 người). Theo kế hoạch, khóa tiếp theo sẽ tuyển khoảng 180 ứng viên.

Tháng 4/2005, hai bên ký Tuyên bố chung về hợp tác du lịch Việt Nam-Nhật Bản, tạo điều kiện cho việc thu hút khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam. Số lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam tăng đều trong những năm qua. Năm 2013 có 604.050 lượt khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2012.

Lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam 4 tháng đầu năm 2014 đạt 222.278 lượt (đứng thứ 3 sau Trung Quốc, Hàn Quốc), tăng 8,45% so với cùng kỳ năm 2013 (Nguồn: Tổng Cục Du lịch).

Nhật Bản có nhiều dự án giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà ở dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Chính phủ Nhật Bản bắt đầu hợp tác và hỗ trợ cho việc bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long vào năm 2004. Năm 2006, Ủy ban hỗn hợp Việt-Nhật bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được thành lập. Đến nay, Nhật Bản đã cử nhiều chuyên gia về khảo cổ học sang Việt Nam cùng điều tra, khai quật và nghiên cứu. Ngoài ra, hai bên cử nhiều đoàn sang thăm, làm việc, biểu diễn nghệ thuật, tham dự triển lãm, liên hoan phim, tổ chức Lễ hội tại mỗi nước. Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản đã được tổ chức thường niên từ năm 2008; Đại nhạc hội Việt Nam-Nhật Bản năm 2008 và 2010.

Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã gia hạn nhiệm kỳ Đại sứ Đặc biệt Việt Nam-Nhật Bản (đến 31/3/2016) và Đại sứ Đặc biệt Nhật Bản-Việt Nam (đến 31/3/2016) cho ông Sugi Ryotaro.

 

Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức: Hợp tác giữa hai Chính phủ, giữa các trường học, giữa các tổ chức, giữa các cá nhân. Những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (3/2008), hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản giúp Việt Nam đào tạo 1000 tiến sỹ cho Việt Nam đến năm 2020. Trên cơ sở đề nghị của ta về hợp tác phát triển trường đại học chất lượng cao tại Việt Nam, phía Nhật Bản đã quyết định chọn 4 trường để hỗ trợ nâng cấp là Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Nông nghiệp Hà Nội; trước mắt sẽ bắt đầu thực hiện từ Đại học Cần Thơ. Hiện có khoảng 4.000 lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Việt Nam cũng đã mời nhiều giáo sư, chuyên gia Nhật Bản sang giảng dạy, tiếp nhận các học giả Nhật Bản sang tìm hiểu về văn hoá, lịch sử Việt Nam. Với sự trợ giúp của chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn thí điểm dạy tiếng Nhật tại một số trường phổ thông cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh 2003-2013. Nhằm tiếp tục triển khai giai đoạn II của Dự án hợp tác này, hai bên sẽ sớm thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu việc mở rộng giảng dạy tiếng Nhật tới cấp tiểu học và mở rộng sang các địa phương khác tại Việt Nam.

Từ tháng 5/2013 thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật Nhật Bản hỗ trợ Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo giáo viên dạy nghề, qua đó, hỗ trợ nâng cấp 6 trường đào tạo nghề tại 5 tỉnh, thành (Hà Nội-2 trường, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu). Năm 2013, Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ký Thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực theo chuẩn nghề nghiệp của Nhật Bản. Nhật Bản cũng đang giúp ta thực hiện dự án Trung tâm đào tạo logistics khu vực Mê Công.

Theo thống kê của Bộ tư pháp Nhật, đến hết năm 2013, tại Nhật có 64.332 người Việt Nam và tại Việt Nam có 11.200 người Nhật. Nhật Bản đã mở Tổng lãnh sự quán tại Tp. Hồ Chí Minh. Phía ta mở Tổng Lãnh sự quán tại Osaka (3/1997) và Fukuoka (4/2009); Tháng 6/2010, bổ nhiệm 2 Tổng Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) và thành phố Kushiro (Hokkaido).

Từ ngày 1/1/2004, Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho người Nhật đi du lịch và kinh doanh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày và từ ngày 1/7/2004, quyết định miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn cho mọi công dân mang hộ chiếu Nhật Bản. Ngày 8/3/2005, hai bên đã trao đổi Công hàm miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản mang Hộ chiếu ngoại giao và công vụ trong thời hạn lưu trú không quá 90 ngày bắt đầu thực hiện từ 1/5/2005.

Trong những năm gần đây, hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, đã có nhiều tỉnh của Nhật Bản và Việt Nam ký văn bản hợp tác, điển hình như: Hồ Chí Minh- Osaka (2007), Đà Nẵng - Sakai (2009), Hải Phòng - Kitakyushu (2009), Hà Nội - Fukuoka (ký lần hai năm 2013), Thành phố Huế - thành phố Kyoto (2013), Đà Nẵng - Yokohama (2013), Hồ Chí Minh - Yokohama (2013), Đồng Nai - Hyogo (2013), Bà Rịa - Vũng Tàu - Kawasaki (2013), Phú Thọ - Nara (2014).

Bên cạnh đó, giao lưu đoàn các địa phương cũng được tăng cường. Năm 2013, năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nhật có 17 đoàn vào cấp Thống đốc, Tỉnh trưởng, Chủ tịch các tổ chức kinh tế địa phương, Lãnh đạo các hội hữu nghị các tỉnh Nhật Bản và 21 đoàn ra từ cấp Phó Bí thư hoặc Phó Chủ tịch, Lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Kyoto ký Biên bản hợp tác hữu nghị (3/2014).

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA TỪ VJEC.
Tin cùng chuyên mục
Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam về VHTTDL

Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam về VHTTDL

Chiều nay 26.3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi tiếp, trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch” cho Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda nhân dịp Đại sứ sắp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
27/03/2020  1585
Tin mới

HỒ SƠ cần
chuẩn bị khi

Đăng ký

Tham gia
chương trình
Thực tập sinh

Tư vấn
qua
điện thoại
Gửi